Nguyễn Bình - cậu học sinh lớp 5B tiểu học Nghĩa Tân, Hà Nội - vừa ra mắt tiểu thuyết 'Cuộc chiến với Hành tinh Fantom'. Sách là thế giới tưởng tượng kỳ thú, được viết bằng văn phong hóm hỉnh, chững chạc cùng vốn kiến thức phong phú.
Sáng 20/11, tại trụ sở NXB Trẻ ở TP HCM, Nguyễn Bình, cậu bé 10 tuổi, tác giả cuốn sách Cuộc chiến với Hành tinh Fantom có buổi ra mắt tiểu thuyết đầu tay và giao lưu với độc giả.
"Cuộc chiến với Hành tinh Fantom" dày gần 200 trang, nói về trận giao tranh để bảo vệ trái đất giữa một nhóm bạn trẻ người Mỹ với các thế lực đến từ hành tinh Bóng ma. Ngoài việc nhân vật trong cuốn sách là người Mỹ, truyện còn lấy bối cảnh ở nhiều nước như: Hy Lạp, Italy, Peru... Người kể truyện trong sách là nhân vật tôi, tên Frank William Wells, thủ lĩnh của Hội Earth gồm các thành viên: Michael John Henderson, George Abraham Carroll, Sarah Margaret Adams... Hai nhân vật đại diện người ngoài hành tinh là: Bejeweled và Cakkratge.
Tác giả 10 tuổi (phải) tặng sách cho một độc giả "nhí". Nguyễn Bình cho biết, cậu viết sách vì yêu thích chứ chưa có ý định trở thành nhà văn. Cậu có sở thích là say mê tìm hiểu về các loại chó trên thế giới. Tác giả nhí cũng có thể bắt chước tiếng sủa của nhiều loại chó khác nhau.
Cuốn tiểu thuyết được viết với một văn phong gãy gọn, linh hoạt, miêu tả tâm lý nhân vật cũng như hành động và ngoại cảnh sinh động, phong phú. Không chỉ vậy, kiến thức về lĩnh vực khoa học xã hội, các địa danh lịch sử, tự nhiên của thế giới được người viết đan cài khéo léo vào mạch truyện với nhiều tình tiết, hành động khiến nhiều người đọc khó tin tác phẩm do cậu bé 10 tuổi viết nên. Bên cạnh đó, sách vẫn giữ được giọng văn trẻ con hóm hỉnh.
Câu chuyện của tiểu thuyết giả tưởng này được mở đầu vào buổi sáng đầu tiên khi nhóm bạn của Hội Earth đi du lịch tại Hydra, một hòn đảo nhỏ của Hy Lạp và dần khám phá những bí mật khủng khiếp về UFO (Vật thể bay không xác định) và sự hiện diện của người ngoài hành tinh trên trái đất. Sách viết: "... Các nhà khoa học vẫn nghiên cứu về UFO, báo chí vẫn tiếp tục đưa tin. Còn trẻ con vẫn tiếp tục ao ước và hy vọng một ngày nào đó, chúng sẽ được tận mắt chứng kiến UFO, được bắt tay và trò chuyện với những người ngoài hành tinh, trò chuyện thân thiết như bạn bè (dù họ sử dụng ngôn ngữ gì thì tôi không biết đâu nhé!), thậm chí cùng đi nghe hòa nhạc, xem phim với họ. Trẻ con tin rằng người ngoài hành tinh cũng giống như người Trái đất, nghĩa là có người tốt - kẻ xấu, kẻ giàu - người nghèo...".
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét: "... đối với Nguyễn Bình, viết văn đâu có phải một việc dễ dàng, cứ nghĩ gì thì nói thế. Cậu đã lao động nghệ thuật rất nghiêm túc như một nhà văn và nhà khảo cứu đích thực...".
Ở trang cuối sách, Nguyễn Bình dùng một cái kết mở khá ấn tượng: "... Hilter chết năm 1945 do bị bắn thẳng vào miệng. H.G. Wells (một nhà văn Anh nổi tiếng với truyện khoa học viễn tưởng mà nhân vật tôi trong truyện tự nhận là có họ hàng với ông) chết năm 1946. Người ta cũng hay kể rằng vào vài năm cuối đời, H.G.Wells đã không rời khỏi phòng của mình. Có phải trong thời gian đó, ông ấy tìm cách quay trở về ngày 30/4/1945 để ám sát Hitler bằng cỗ máy thời gian?..."
Tại buổi giao lưu vào sáng 20/11, Nguyễn Bình chia sẻ, cuốn sách của cậu lấy cảm hứng từ các nghiên cứu khoa học cho thấy sự sống không chỉ có trên trái đất. Bình xây dựng các nhân vật đều ở tuổi lên 10, đúng tuổi của cậu, để có thể dễ dàng miêu tả lời ăn tiếng nói cũng như tâm lý, suy nghĩ của nhân vật.
Khi được hỏi vì sao không xây dựng nhân vật là người Việt Nam để gần gũi hơn. Cậu bé học lớp 5 cho biết, các địa danh, các sự kiện khoa học do thế giới công bố dễ dàng được tra cứu trên Internet hơn, và khối lượng kiến thức về chúng cũng nhiều hơn, vì vậy cậu chọn phác họa nhân vật và câu truyện theo cách "hướng ngoại".
Nguyễn Bình gọi đây là một series truyện. Sau tập 1 được NXB Trẻ và NXB Hồng Bàng phát hành, cậu hẹn sẽ còn tiếp tục với bộ truyện, dự kiến đến tập thứ 8.
Nguyễn Bình tinh nghịch trong ngày ra mắt sách ở TP HCM. Bên cạnh là bố, nhà phê bình Nguyễn Hòa.
Ông Phạm Sỹ Sáu, cán bộ NXB Trẻ, người trực tiếp thẩm định bản thảo cuốn Cuộc chiến với hành tinh Fantom cho biết, ông không thể ngờ một cậu bé gần 10 tuổi có thể viết cuốn sách với tiếng Việt khá chuẩn. Khi tiếp xúc với Nguyễn Bình, ông nhận xét cậu rất hiếu động, nghịch ngợm và chưa mất nét trẻ con. "Nguyễn Bình có thái độ làm việc nghiêm túc, rất quan tâm đến việc cho ra đời đứa con tinh thần của mình. Từ Hà Nội, cậu đề nghị NXB gửi cả ảnh minh họa sách ra để chọn lựa và kịp thời điều chỉnh khi ảnh chưa thể hiện đúng ý đồ cậu thể hiện trong sách", ông Sáu nói.
Tại buổi ra mắt, giao lưu sách, mọi người đều tránh nhắc nhiều đến từ "thần đồng". Ngay cả bố của tác giả Nguyễn Bình, nhà phê bình Nguyễn Hòa, cũng cho biết, gia đình ông không ảo tưởng về khả năng đặc biệt của con trai. "Tôi chỉ muốn con mình trở thành một người con ngoan, một công dân tốt. Khi chuẩn bị ra mắt sách cho con, tôi cũng trò chuyện, giải thích để tránh bị ảnh hưởng bởi những lời khen, hay tên gọi "thần đồng". Nhưng Bình bảo bố cứ yên tâm với con về chuyện đó, Bình còn nói đùa: "Thần đồng là thằng đần"", ông Nguyễn Hòa kể.
Bố cậu bé chia sẻ, ông cho con làm quen với Internet từ lúc 4 tuổi và cậu đặc biệt thích sử dụng mạng Internet. Nhờ sự hướng dẫn của bố mẹ, Nguyễn Bình tìm đến mạng Internet như một công cụ tự học hiệu quả.
Mẹ của tác giả Nguyễn Bình cho biết, chỉ trừ đôi chút không bình thường, còn lại, cậu cũng giống như bao đứa trẻ bình thường khác. "Từ việc học hành đến việc viết sách Bình đều độc lập, không phụ thuộc vào bố mẹ cũng không để bố mẹ phải nhắc nhở".
............................................................................................................................
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét